6 CÁCH ỨNG PHÓ VỚI SỨC ÉP TỪ BẠN ĐỒNG LỨA
11:47 - 20/03/2020
Có thể nói, “bạn đồng lứa” giống như một con dao hai lưỡi. Nó tác động không nhỏ tới hành vi, ứng xử và suy nghĩ trẻ cả mặt tích cực và tiêu cực. 06 cách dưới đây sẽ giúp trẻ tránh “sức ép từ bạn đồng lứa".
Một nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm học sinh trong độ tuổi 14 đến 20 tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam về các vấn đề mà tuổi teen hay gặp phải đã chỉ ra rằng hơn 60% các em trả lời “có” cho câu hỏi “Em đã bao giờ phải chịu sức ép từ phía các bạn cùng lớp hay cùng trường chưa?”. Điều đó cho thấy ”phải chịu sức ép từ bạn đồng lứa” là hiện tượng xảy ra phổ biến tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, và cả ở bậc đại học. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các trường công lập mà còn xuất hiện ở các trường dân lập, lớp học thêm, câu lạc bộ hay trại hè nhóm.
Vai trò của bạn đồng lứa
Bạn đồng lứa (bạn ngang hàng) là bạn bằng tuổi, học chung một môn học, có chung sở thích hoặc cùng tham gia một hoạt động xã hội. Ở bất kì độ tuổi nào cũng đều có “nhóm bạn đồng lứa” và nhóm này có ảnh hưởng tới hành vi, tính cách mỗi cá nhân.
Vào những năm cuối của cấp tiểu hoc (giai đoạn tiền dậy thì), trẻ bắt đầu quan tâm nhiều đến suy nghĩ của những đứa trẻ khác hơn là việc ba mẹ hay người lớn nghĩ gì về chúng. Bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ muốn tự lập, tự đưa ra quyết định, được đối xử như người lớn và được công nhận. Vì những lý do này mà trẻ hướng đến việc thu hút sự chú ý từ phía bạn bè và muốn được biết đến nhiều hơn, trẻ bắt đầu cho phép bản thân thử thách với những điều trước đây chưa từng biết hoặc thậm chí là không thích. Sức ép được công nhận trong một nhóm bạn đồng lứa cũng thúc ép trẻ cố gắng thực hiện những việc bản thân trẻ không hiểu, không biết và không muốn làm.
Có thể nói, “bạn đồng lứa” giống như một con dao hai lưỡi. Nó tác động không nhỏ tới hành vi, ứng xử và suy nghĩ trẻ cả mặt tích cực và tiêu cực.
- Tích cực là trong quá trình giao tiếp, trẻ học hỏi lẫn nhau, cùng nghiên cứu, sáng tạo, phát huy hết tiềm năng, nguồn nội lực bên trong cũng như trau dồi các kỹ năng “sinh tồn” cần thiết để bước ra xã hội khi trưởng thành. Ví dụ, trong học tập, đôi bạn thân A và B chơi với nhau và cùng bước qua cánh cửa đại học. A giỏi Toán, B giỏi Anh; giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao kết quả. Một ví dụ khác, trong vấn đề rèn luyện sức khỏe, rất ít bạn có thể tự chủ động luyện tập ở nhà hay đến phòng gym mỗi tuần. Nhưng khi có bạn cùng làm với trẻ, việc luyện tập 3 buổi 1 tuần có lẽ không còn quá khó khăn.
- Ngược lại, sức ép từ bạn đồng lứa có những tác động tiêu cực như kích động, lôi kéo trẻ tham gia những việc gian lận trong học tập như quay cóp, chép phao, trốn học, trèo tường tới những hành vi “khủng khiếp” như hút thuốc, uống rượu, tiêm chích ma túy, trộm cắp, buôn lậu…. Không ít trẻ, chỉ vì nghe theo bạn bè mà sa vào con đường nghiện ngập, bị vướng vào lao lý tù tội.
“Sức ép từ bạn đồng lứa” trong trường học
“Sức ép từ bạn đồng lứa” được thể hiện bằng lời nói và hành động của một hoặc một nhóm bạn học, xuất phát từ việc muốn làm giảm giá trị hay hình ảnh người khác. Đặc biệt ở môi trường học đường, những câu bình luận, đánh giá về vóc dáng, ngoại hình hay hoàn cảnh sống thường dẫn tới những mâu thuẫn, hiểm khích vì chạm vào lòng tự ái và tự tôn của mỗi cá nhân. Nhưng có một thực tế đáng buồn là không ít trẻ vì muốn được công nhận theo đám đông đã tham gia vào những hoạt động kiểu này. Việc chạy theo “xu hướng đám đông” cũng thể hiện “sức ép từ bạn đồng lứa” rõ rệt. Học sinh thường có một sở thích kì lạ, đó là chú ý đến những người khác để ngẫm nghĩ và đánh giá. Những cô hoặc cậu học trò nào có “một vài điểm trừ” về ngoại hình dễ dàng trở thành một phần của những cuộc đàm tiếu hay trung tâm của “sự trêu chọc”; ngược lại, các “hotboy”, “hotgirl” lại dễ dàng trở thành mục tiêu cho các bạn khác học và làm theo. Bác sĩ và nhà tâm thần học người Anh Sigmun Freud chỉ ra rằng: “Con người đa phần dễ mắc phải hiện tượng “tâm lý nhóm”, tức là khi chúng ta sống trong một cộng đồng, chúng ta thường xuyên bị cuốn theo những quy chuẩn, nguyên tắc chung của tập thể và cho rằng khi đã hoàn toàn tuân theo quy chuẩn đó thì sẽ không bị loại bỏ”. Suy nghĩ này không hoàn toàn đúng mà đôi khi nó sẽ tạo ra những tâm lý và hậu quả “ngược”.
Làm gì để giúp trẻ tránh “sức ép từ bạn đồng lứa”
Một số gợi ý dưới đây có thể giúp cho ba mẹ gợi mở hướng giải quyết cho trẻ:
1. Lắng nghe bằng cả trái tim và không phản ứng thái quá
Cha mẹ hẳn sẽ rất buồn khi trẻ kể về những chuyện trẻ bắt buộc phải làm theo những đề nghị, mong muốn thậm chí là cưỡng ép của một bạn hay một nhóm bạn mặc dù trẻ không muốn. Nếu cha mẹ bộc lộ sự tức giận thông qua việc quát mắng hoặc giảng giải gay gắt, đứa trẻ có thể im lặng, chạy đi và cha mẹ không bao giờ có cơ hội được nghe những vấn đề này thêm một lần nào nữa. Do vậy, để cuộc nói chuyện trở nên “dễ chịu và cởi mở” hơn, cha mẹ hãy lắng nghe bằng cả trái tim, trò chuyện với trẻ một cách thoải mái và đưa cho trẻ những lời giảng giải thẳng thắn, trung thực.
2. Giúp trẻ hiểu giá trị về một tình bạn thực sự
Cha mẹ giảng giải và giúp trẻ hiểu rằng tình bạn được xây dựng dựa trên sự tôn trọng giá trị riêng của nhau. Một người bạn tốt sẽ tôn trọng quyết định của trẻ, hiểu được mong muốn của trẻ và tìm cách hòa hợp để nuôi dưỡng tình bạn. Một người bạn hay một nhóm bạn gây sức ép để buộc trẻ làm những điều nguy hiểm, có hại hay phạm pháp thường không phải một người bạn hay một nhóm bạn tốt. Việc hành động theo ý người khác chỉ để được chấp nhận hay lôi kéo sự chú ý của người khác là một việc làm không sáng suốt và có hại cho bản thân.
3. Dạy trẻ cách đưa ra quyết định đúng
Ở tuổi dậy thì, trẻ có mong muốn tự ra quyết định. Tuy nhiên, vì thiếu trải nghiệm về hiểu biết xã hội cũng như các kỹ năng bảo vệ bản thân mà trẻ thường dễ đưa ra những quyết định sai lầm, có thể dẫn đến sa ngã. Cha mẹ giúp trẻ hiểu rằng để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trẻ cần làm giàu kiến thức xã hội, hình thành kỹ năng quan sát, lắng nghe, phân biết đúng sai và từ chối những “lời đề nghị không dễ tiếp nhận”.
4. Tiếp xúc với các bạn đồng lứa của trẻ
Khuyến khích trẻ rủ các bạn về nhà chơi. Qua cách trẻ giao tiếp và chơi với bạn, cha mẹ sẽ có được câu trả lời về ảnh hưởng mà các bạn đồng lứa với trẻ là tốt hay xấu.
5. Ứng phó với căng thẳng
Nếu trẻ cảm thấy căng thẳng khi phải đối mặt với “sức ép từ bạn đồng lứa, trước tiên là dạy trẻ cách hít thở thật sâu và lấy lại bình tĩnh. Bước tiếp theo là dạy trẻ cách phán đoán tình huống đang xảy ra và nhanh chóng chuyển sự chú ý của bạn hay nhóm bạn đồng lứa sang một chủ đề khác hấp dẫn hơn như sở thích chung giữa trẻ và các bạn trong nhóm. Ngoài ra, nếu những người bạn không đồng ý, hãy can đảm nói “không” một cách dứt khoát hoặc đơn giản là tìm cách lảng tránh hoặc bỏ đi chỗ khác.
6. Luyện cho trẻ biết từ chối (nói “không”).
Cha mẹ hướng dẫn trẻ cách từ chối (nói “không”) với những với những việc trẻ không thích hoặc cảm thấy không đúng và luyện tập cách thể hiện tự nhiên nhất. Hãy đưa ra lời khuyên ngắn gọn, trọng tâm và khuyến khích trẻ tự bày tỏ theo cách dễ dàng nhất là nói đúng suy nghĩ của mình.
Khi trẻ có thể thực hiện được những điều này, việc giải tỏa khỏi “sức ép từ bạn đồng lứa” là hoàn toàn có thể. Tạo ra giá trị, hình ảnh riêng của bản thân sẽ giúp trẻ mở rộng được các mối quan hệ và hòa hợp hơn với các bạn đồng trang lứa.
Dịch và biên soạn: Việt Hương - Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Vietking
Nguồn: Greatschools.org
Bài viết liên quan
THANH THIẾU NIÊN VÀ HÀNH VI TỰ HẠICOVID-19: Khởi động để sẵn sàng quay trở lại trường
TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: “SỐNG CHỦ ĐỘNG – BẢO VỆ CON TRẺ TRƯỚC ẢNH HƯỞNG CỦA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ”
HIỆU QUẢ CỦA VẮC-XIN Pfizer / BioNTech GIẢM SAU 6 THÁNG
Tập huấn chuyên đề "PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC"