Có nên chấp nhận thân chủ vô điều kiện?

15:06 - 10/05/2021

Lâu nay mình vẫn luôn băn khoăn làm sao để có thể giúp đỡ được nhiều người một cách hiệu quả thông qua tham vấn và trị liệu tâm lý.

Mình rất quan tâm đến khái niệm “chấp nhận vô điều kiện” và hay đặt ra câu hỏi rằng: “Có phải trong mọi hoàn cảnh, nhà tâm lý đều có thể chấp nhận thân chủ vô điều kiện, ngay cả khi thân chủ có làm sai, có đi ngược lại với chuẩn mực chung của xã hội, có mâu thuẫn với thước đo giá trị của riêng nhà tâm lý?”. Vậy thì sau đó, nhà tâm lý sẽ giúp đỡ thân chủ hoặc can thiệp như thế nào?

Mình đã đọc ở đâu đó điều này rất hay nhưng không nhớ chính xác từng chữ, đại ý là: không thực sự có “trị liệu tâm lý”. Trong tiếng Anh, “psychotherapy” là danh từ, chỉ hệ thống các học thuyết, phương pháp và kỹ thuật mà nhà tâm lý (psychologist) áp dụng để cải thiện các vấn đề của thân chủ. Như vậy, có vẻ như không có khái niệm cho hành động “trị liệu tâm lý cho một ai đó”. Psychotherapy là quá trình tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn và giúp người đó “tự hiện thực hóa bản thân mình”. Đơn giản hơn, điều này có nghĩa là để thân chủ tự mình tiến triển, nhà tâm lý chỉ có vai trò đồng hành cùng thân chủ trên chặng đường đó.

Mình hơi mông lung một chút, rằng không biết ý hiểu của mình có chính xác không. Nếu nhà tâm lý không cản trở sự tăng trưởng nơi thân chủ, không cản trở khuynh hướng sẵn có nơi thân chủ thì họ thực sự có ý nghĩa gì đối với thân chủ? Nếu sự tăng trưởng của thân chủ không tích cực, không phù hợp với những giá trị được coi là “bình thường” ở số đông thì sao? Mình có cảm giác, tham vấn trong môi trường học đường, đâu đó vẫn hiện hữu sự điều hướng.

Ví dụ với ca mà mình đã gặp, một học sinh chống đối, quậy phá, được coi là “cá biệt” của lớp nhưng rất chủ động và tinh ranh. Thời gian đầu, mình vẫn luôn cố gắng lắng nghe mọi điều bạn ấy chia sẻ, dù là bất cứ câu chuyện nào. Mình còn lo thái độ của mình không đủ sự chấp nhận vô điều kiện thì bạn ấy sẽ mất niềm tin và không muốn tìm đến mình nữa. Tuy nhiên, lâu dần, mình nhận ra bản thân đang bị thử thách. Học sinh đó dẫn dắt mình đi theo câu chuyện của bạn ấy và mình dường như trở nên thụ động trong tham vấn. Trước giờ, mình tuân thủ theo những gì đã được học: thân chủ là người biết rõ điều đau khổ của họ là gì, hướng đi của họ sẽ về đâu và vấn đề nào là cấp thiết. Mình vẫn tin là thế và không kiểm chứng lại các thông tin, nghĩa là mình đang đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì thân chủ kể và không có sự điều hướng nào cả. Sau này, khi nhìn nhận lại toàn bộ quá trình, mình mới thấy bản thân đã bị trôi, bị cuốn theo thân chủ mà không đứng vững ở thực tại để nhận diện đúng vấn đề. Vậy thì mình có nên giữ một sự cảnh giác nhất định, đôi khi cần đặt vài dấu hỏi vào độ tin cậy trong câu chuyện của thân chủ (nếu cảm thấy có gì đó không ổn) hay không?

Mình thấy bản thân thuộc kiểu thích trải nghiệm một chút, trước hết phải cố gắng làm theo cách của mình, nỗ lực thử mọi hướng giải quyết cho đến khi thực sự bế tắc. Không hiểu sao mình khá ngại phải hỏi hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Trở lại với ca tham vấn phía trên, sau nhiều buổi kiên trì lắng nghe và phản hồi, nhưng có vẻ như tình hình không có gì thay đổi nên mình đã quyết định bàn luận với các giám sát cấp cao của mình trong buổi họp chuyên môn. Mình lại nhận ra một bài học kinh nghiệm nữa đó là: “Khi cảm thấy không chắc chắn hay còn chút nào do dự, phải chia sẻ ngay vấn đề với giám sát, đồng nghiệp để được hỗ trợ kịp thời”. Phải đến khi được mọi người phân tích thì mình mới thấy rõ việc bản thân đang đi chệch hướng do mải miết tiếp nhận thông tin và chấp nhận mọi điều thân chủ cung cấp. Do đó, cần thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm và một chút nhạy cảm nghề nghiệp để mình lựa chọn cách thức tiếp cận phù hợp đối với từng thân chủ.

HN 03/2021

Thủy Tiên – GVCV01

Bài viết liên quan

Buổi tham vấn đầu tiên
Làm thế nào để có thể thực sự lắng nghe thân chủ?
Lời cảm tạ chúa
Ngày mưa