Lời cảm tạ chúa
15:03 - 10/05/2021
Tôi đang nghe “Talking to myself” – một bài hát mà nhóm Linkin Park vừa tung ra trước khi trưởng nhóm của họ tự sát.
Thật ra lần đầu nghe tôi không hợp giai điệu lắm, mà tôi bắt đầu nghe vì bị thu hút bởi hoàn cảnh ra đời của nó. Liên quan đến vị trưởng nhóm, chuyện kể rằng, hai tháng sau ngày bạn thân của anh qua đời, vào ngày sinh nhật của bạn, anh đã tự sát. Mọi người đều ngỡ ngàng, ai cũng cho rằng anh rất bình tĩnh trước cái chết của bạn, ngày tổ chức tang lễ, anh thản nhiên hát “Hallelujah” (lời cảm tạ Chúa). Sau đó anh vẫn hát, vẫn lên sân khấu, vẫn tươi cười hàng ngày…Cho đến khi…. …
(Bên dưới là buổi gặp mặt sau đêm diễn cuối cùng đó, anh cười rất nhiều).
Cũng như một trường hợp mà tôi đang phân tích, một bạn trai 13 tuổi, bố mới qua đời, bị Ban giám hiệu mời gia đình vì hút thuốc lá điện tử. Mẹ cậu nói rằng: con không buồn nhiều, con khá ổn sau cái chết của bố. Đồng thời, mẹ khẳng định vì con sống tình cảm nên trước khi mẹ vào gặp Ban giám hiệu, cậu ôm mẹ khóc.
Kì thực cậu bé của chúng ta không hề “ổn” như mọi người nghĩ, ai có thể khẳng định là một cậu bé tình cảm, yêu thương các thành viên trong gia đình như vậy lại có thể bình thản một cách nhanh chóng sau sự ra đi bất ngờ của bố. Cậu vẫn nằm trong giai đoạn “đoạn tang” (travail de deul). Sau khi đám tang thực của người thân kết thúc, mỗi người phải tự làm việc với đám tang bên trong mình, để chấp nhận sự thật là người thân đã ra đi mãi mãi, không gặp lại chúng ta nữa. Đây quả là điều khó khăn. Trong giai đoạn này, cậu bé của chúng ta đau khổ có, thiếu thốn có, cậu muốn được bù đắp bằng sự quan tâm của những người xung quanh nhưng không ai nhận ra. Mẹ cho rằng cậu không bị ảnh hưởng nhiều, chị gái cũng không nói gì với cậu cả ngày. Cậu đành tự tìm cách. Cậu có bạn bè đang quan tâm mình, thật may họ rủ cậu đi làm việc này việc kia giúp cậu bớt chú tâm vào việc mất đi bố. Cách này quả thật rất tốt. Nhưng không may, “việc này việc kia” đó lại là một chất không được chào đón lắm ở lứa tuổi 13 và xảy ra câu chuyện mà tôi chia sẻ ở trên. Ước mong được giúp đỡ và tìm cách “đoạn tang” của cậu học trò này hoàn toàn chính đáng nhưng cậu cần được hướng dẫn tìm ra cách phù hợp. Sau cùng, tôi không oán trách bà mẹ “vô tâm”, cũng không thể phán xét nỗi đau nhiều hay ít của chị gái, nhưng tôi khẳng định, trong giai đoạn này, cậu cần gia đình, cần được che chở, được yêu thương và được đồng hành.
Trong vai trò của một chuyên viên tâm lý học đường, tôi mong ước rằng không chỉ cậu mà những “cậu bé” cùng cảnh khác được đồng hành đúng lúc, kịp thời. Những khi các con trải qua một sự kiện lớn như mất đi người thân, chứng kiến tai nạn, thảm họa thiên tai hoặc nhân tai,…dù ít dù nhiều các con cũng có những “căng thẳng” nhất định. Gia đình và nhà trường đừng bỏ qua, hãy quan sát con để hiểu con nhiều hơn. Với các con học sinh, các con hoàn toàn có quyền được sống thoải mái và sống hạnh phúc, đừng để bất kì điều gì đe dọa đến hạnh phúc của các con mà hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ bố mẹ, thầy cô giáo và những người con tin tưởng. Phòng Tâm lý học đường Vietking luôn sẵn lòng ở đây để giúp các con. Hãy liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: 0963002968 - Email: tamlyhocduong@vietking.vn.
23:05
05/04/2021
Kam Ly – TNCV02