Khái niệm và tác động của chiến lược học tập đến việc đạt được mục tiêu học tập của học sinh

11:36 - 12/05/2021

Thế giới dần bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển của nhân loại thì hệ thống giáo dục hiện nay đang kỳ vọng thế hệ công dân mới sẽ có mức độ tự chủ cao hơn và thể hiện sự chủ động trong quá trình học tập. 

Để có thể làm chủ và gia tăng hiệu quả của việc tiếp thu cũng như ứng dụng kiến ​​thức, học sinh cần xây dựng cho mình một chiến lược học tập phù hợp.

Chiến lược học tập là gì?

Thuật ngữ chiến lược học tập không mô tả một khái niệm khoa học, thống nhất. Nó tổng hợp các khái niệm của nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau.

Theo Mandl & Friedrich, các chiến lược học tập giống như các chuỗi hành động để đạt được mục tiêu học tập. Lompscher mô tả: chiến lược học tập là các thủ tục ít nhiều phức tạp, nâng cao khác nhau, được sử dụng có chủ đích hoặc vô thức để thực hiện các mục tiêu học tập và để ứng phó với các yêu cầu học tập (Mandl & Friedrich, 1992, 6; Lompscher, 1996, 2). Weinstein & Mayer hiểu các chiến lược học tập như các hành động bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến động cơ, sự chú ý của người học cũng như lựa chọn và xử lý thông tin (Weinstein & Mayer, 1986). Schumaker và Deshler (2006) xác định chiến lược học tập là “cách tiếp cận của một cá nhân đối với một nhiệm vụ. Nó bao gồm cách một người suy nghĩ và hành động khi lập kế hoạch; thực hiện và đánh giá quá trình hoàn thành nhiệm vụ cũng như kết quả của nó.” Phần lớn suy nghĩ trong học tập được thực hiện một cách vô thức. Ví dụ, hầu hết chúng ta sẽ tự động đọc chậm lại khi gặp nội dung khó hiểu. Chúng ta cũng sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để giúp tổ chức và ghi nhớ —hai yếu tố chính của quá trình học tập.

Hiểu đơn giản, chiến lược học tập là quá trình lâu dài và người học sử dụng các phương pháp tiếp cận hoặc kỹ thuật cụ thể trong các giai đoạn khác nhau để giải quyết vấn đề trong học tập một cách hiệu quả, giúp tăng tốc và tối ưu hóa quá trình học tập. Các chiến lược học tập có thể giúp người học học hỏi dễ dàng, nhanh hơn, thú vị hơn, chủ động, có định hướng và linh hoạt hơn đối với những tình huống mới.

Chiến lược học tập được đánh giá là hữu ích nếu: 1) Giúp việc hoàn thành nhiệm vụ học tập hiện có dễ dàng hơn; 2) Phù hợp với sở thích, phong cách học tập của học sinh ở mức độ nào đó và 3) Học sinh sử dụng chiến lược một cách hiệu quả, đồng thời kết hợp được với chiến lược khác.

Vì sao cần xây dựng chiên lược học tập?

Mục đích cuối cùng của chiến lược học tập nhằm giúp người học học tập hiệu quả, đúng trọng tâm, nhanh chóng và tự chủ hơn.

  • Cải thiện kết quả học tập: Việc có chiến lược và lộ trình học rõ ràng sẽ giúp học sinh đạt được kết quả tốt hơn so với trạng thái mông lung, không xác định rõ mình cần phải làm gì và bằng cách nào.
  • Tăng tính tự chủhứng thú với việc học: Khi đã hiểu rõ việc mình cần làm và sự cần thiết phải hoàn thành nhiệm vụ đó, học sinh sẽ tự ý thức được hành động của bản thân.
  • Tái nhận nhức: Xây dựng chiến lược phù hợp và kiên trì thực hiện nó sẽ giúp học sinh nhận ra kết quả học tập của mình chưa tốt hay quá trình học trước đây quá gian nan, không phải là do không đủ khả năng mà bởi vì bản thân chưa có cách học hiệu quả.
  • Tăng động lực: Những học sinh đã nhiều lần trải qua thất bại ở trường do thiếu phương pháp hỗ trợ có thể tiếp cận việc học một cách hiệu quả hơn, tăng khả năng thành công và gián tiếp thúc đẩy chúng đối mặt với những thử thách mới trong học tập.
  • Nâng cao và hình thành các kỹ năng mới: Trong quá trình thực hiện chiến lược học tập đã đề ra, học sinh có thể học thêm hoặc cải thiện được kỹ năng quản lý thời gian, tư duy tích cực, cân bằng cảm xúc,...

Như vậy, mục tiêu của chiến lược học tập là từng bước giúp cho quá trình học tập của người học dần đạt được những cột mốc, yêu cầu đã đặt ra trong từng giai đoạn, phát triển của một loạt các công cụ mà học sinh có thể sử dụng khi cần.

Một số gợi ý để xây dựng chiến lược học tập hiệu quả

Việc xây dựng chiến lược học tập không được hướng dẫn, giảng dạy chi tiết như một kỹ năng cần thiết ở các hệ thống trường học. Chủ yếu, chiến lược học tập thường được thu thập qua quá trình học tập nhiều năm, tự rút ra kinh nghiệm hoặc được những người đi trước truyền đạt khái quát lại.

Do mỗi học sinh là một cá thể độc nhất và riêng biệt, chiến lược học tập cũng có sự khác biệt lớn về số lượng và cách xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có những gợi ý chung cho việc xây dựng chiến lược học tập. Cần lưu ý là không có chiến lược nào là tốt nhất, mọi học sinh cần tìm ra chiến lược phù hợp với riêng mình.

Mỗi học sinh sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác nhau nên cần có những chiến lược học tập khác nhau cho từng cá nhân. Khả năng lựa chọn và sử dụng chiến lược học tập hiệu quả sẽ giúp người học giải quyết tốt một nhiệm vụ học tập cụ thể. Việc xây dựng chiến lược học tập dựa trên những bước cơ bản sau:

  • Phân tích tình hình: Sử dụng phương thức SWOT để đánh giá thực trạng gồm S: điểm mạnh, W: điểm yếu, O: yếu tố ủng hộ và T: yếu tố nguy cơ.
  • Xác lập mục tiêu: Sử dụng phương thức SMART để xác lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn bao gồm S: cụ thể, M: đo lường được, A: có thể đạt được, R: phù hợp, T: trong khoảng thời gian nhất định.
  • Lên kế hoạch thực hiện: chi tiết, rõ rang cho từng tiêu chí cụ thể
  • Phân bổ nguồn lự: gồm nhân lực, trí lực, tài chính
  • Đo lường, đánh giá kế hoạch: đánh giá sơ bộ, từng phần để điều chỉnh kịp thời

 

Biên soạn: Thủy Tiên

Nguồn tham khảo:

Dr. Claas Wegner, Lea Minnaert &  Friederike Strehlke (2013). The importance of learning strategies and how the project ‘Kolumbus-Kids’ promotes them successfully, European Journal of Science and Mathematics Educationg Vol 1, No 3

Hong Shi (2017). Learning Strategies and Classification in Education, Institute for Learning Styles Journal, Volume 1

Nancy Protheroe & Suzanne Clarke (2008). Learning Strategies as a Key to Student Success

Bài viết liên quan

COVID-19: 5 LỜI KHUYÊN GIÚP HỌC SINH SÀNG CHO CÁC KỲ THI