Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt chuột rút

11:27 - 24/12/2018

  Đau bụng kinh là triệu chứng khó chịu hoặc đau đớn trong chu kỳ kinh nguyệt, còn gọi là hiện tượng chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt.

 

Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh là triệu chứng khó chịu hoặc đau đớn trong chu kỳ kinh nguyệt, còn gọi là hiện tượng chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt.

Chuột rút trong kỳ kinh nguyệt sẽ xảy ra ở vùng bụng, thắt lưng, lưng dưới, thậm chí lan xuống cả 2 chân. Bạn có thể cảm thấy như đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau quặn khiến bạn vô cùng khó chịu. Các cơn đau sẽ qua đi nhanh chóng nhưng sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Đau bụng kinh có thể xảy ra khoảng 1 đến 2 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể mất đi sau một vài giờ khi kinh nguyệt bắt đầu hoặc sau một vài ngày.

Khi bị đau bụng kinh, bạn có thể cảm thấy:

  • Đau bụng hoặc buồn nôn
  • Chóng mặt hoặc đau đầu
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi và buồn vô cớ

Rất nhiều bạn gái bị đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của các bạn gái.

Nguyên nhân của đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh gây ra bởi các cơn co thắt ở tử cung. Nguyên nhân của hiện tượng này là do prostaglandin, là các acid béo không bão hòa ở các mô, có vai trò như một chất trung gian hóa học của quá trình viêm và nhận cảm đau, gây nên các cơn co thắt tử cung. Khi các cơn co này quá mạnh, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều prostaglandin làm giảm lượng máu cung cấp đến tử cung và sẽ gây ra hiện tượng chuột rút, khiến bạn bị đau nhiều hơn.

Nguyên nhân đau bụng cũng có thể xảy ra khi bạn gặp các vấn đề về sức khỏe như: Lạc nội mạc tử cung, các bệnh viêm cùng chậu, u xở tử cung…)

Phải làm gì để giảm hiện tượng đau bụng kinh? Nếu bạn bị đau bụng kinh, hãy thử làm như sau:

  • Hít sâu thở đều và thư giãn
  • Tránh xa trà, cà phê
  • Mát xa nhẹ nhàng
  • Tập thể dục nhẹ nhàng
  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ xung vi-ta-min
  • Bổ sung dầu cá và Vitamin B1
  • Chườm nước nóng hoặc dùng miếng dán nhiệt cho vùng bụng dưới
  • Tắm nước nóng, nhưng không nên tắm quá lâu, vì nó sẽ làm cho máu ra nhiều hơn.
  • Nằm nghiêng, hai chân áp sát vào bụng hoặc nằm ngửa và đặt 2 chân cao lên trên 1 chiếc gối.

Nếu bạn đã thử các cách trên không có hiệu quả, hãy đi khám bác sĩ để được kê thuốc điều trị như thuốc giảm đau hoặc thuốc tránh thai. Trong thuốc tránh thai có chứa các loại hormone có thể ngăn cản sự rụng trứng và làm giảm tình trạng đau bụng (chuột rút) trong chu kỳ kinh nguyệt. Hãy uống thuốc ngay khi cơn đau bắt đầu để làm giảm các triệu chứng đau đớn, khó chịu cho bản thân.

 

Bài viết liên quan

HỘI CHỨNG TIỀN KINH NGUYỆT (PREMENSTRUAL SYNDROME - PMS)
Vòng xoay giới tính
THAY ĐỔI CẢM XÚC Ở TUỔI DẬY THÌ
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỦ ĐOẠN XÂM HẠI, NGUY CƠ XÂM HẠI VÀ CÁCH BẢO VỆ TRẺ
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM – NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT!