XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỦ ĐOẠN XÂM HẠI, NGUY CƠ XÂM HẠI VÀ CÁCH BẢO VỆ TRẺ

16:04 - 02/11/2018

  Kẻ xâm hại tình dục trẻ em dùng rất nhiều thủ đoạn để tiếp cận và xâm hại trẻ em.

 

THỦ ĐOẠN CỦA KẺ XÂM HẠI NHƯ THẾ NÀO?

1. Kẻ xâm hại tình dục trẻ em dùng rất nhiều thủ đoạn để tiếp cận và xâm hại trẻ em. Nhiều người thường nghĩ rằng, xâm hại tình dục trẻ em chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên bởi một người lạ. Trên thực tế, những kẻ xâm hại thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ (đôi khi là với gia đình trẻ). Quá trình này gọi là “Dụ dỗ” và có thể diễn ra theo một số bước:

  • Nhắm đối tượng: Thủ phạm xác định trẻ em chúng muốn xâm hại. Chúng thường nhắm đến những trẻ dễ bị tổn thương.
  • Xây dựng niềm tin: Thủ phạm tạo niềm tin ở trẻ bằng cách chia sẻ sở thích, tặng quà và kết bạn với trẻ.
  • Tạo bí mật: Thủ phạm bắt đầu tạo ra những bí mật riêng với trẻ bằng cách hứa hẹn, đe dọa hay ép buộc để trẻ không tiết lộ với ai.
  • Hành động leo thang: Thủ phạm tiến tới việc giới tính hóa mối quan hệ với trẻ. Chúng thường đề cập đến các vấn đề tình dục và chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy, khiến trẻ trở nên “mất cảnh giác”.
  • Thực hiện xâm hại: Thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ.

2. Không phải tất cả những kẻ xâm hại tình dục trẻ em đều áp dụng cùng một thủ đoạn dụ dỗ. Một số kẻ sử dụng các thủ đoạn khác như: tấn công bất ngờ, mua chuộc, lừa dối, khống chế, ép buộc.

3. Thông thường kẻ xâm hại không hoạt động một mình. Chúng có thể được hỗ trợ bởi những kẻ khác như: những kẻ tổ chức, những kẻ môi giới và những kẻ tạo điều kiện cho hoạt động xâm hại trẻ em xảy ra.

CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRẺ CÓ NGUY CƠ BỊ XÂM HẠI LÀ GÌ?

1. Hành vi của trẻ

Mặc dù những biểu hiện dưới đây vẫn chưa chứng tỏ trẻ bị xâm hại nhưng đó là những dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý:

  • Những thay đổi về hành vi của trẻ như trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng, chán nản, buồn phiền, biểu hiện bất an…
  • Trẻ học hành sa sút, ngại đi học hoặc bỏ học thời gian dài
  • Trẻ bỏ nhà, vắng mặt đi đâu đó một thời gian
  • Trẻ có các lời nói, hành vi giới tính không phù hợp
  • Trẻ có những dấu hiệu và triệu chứng về thể chất như thương tổn, đái dầm, tự hủy hoại bản thân, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai….
  • Trẻ sợ hãi hoặc nóng giận với người khác
  • Trẻ lạm dụng chất kích thích (ma túy và các chất có cồn)

2. Hành vi của người lớn

Những người lớn quan tâm quá mức đến trẻ (gồm những người thân trong gia đình, bạn bè, người được tin tưởng hoặc những người lạ) bằng cách: tặng nhiều quà giá trị, yêu mến không bình thường, gây ảnh hưởng quá mức, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẢO VỆ ĐƯỢC TRẺ

1. Hiểu rõ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em

2. Cảnh giác, chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại

3. Trò chuyện với trẻ

  • Tạo mối quan hệ tin cậy và cởi mở với trẻ
  • Nói chuyện với trẻ các chủ đề giới tính phù hợp với lứa tuổi
  • Hình thành ở trẻ thói quen chia sẻ các bí mật vui và bí mật buồn
  • Dạy trẻ biết cách cách tự bảo vệ mình:

+) Phân biệt được những bộ phận nào trên cơ thể được cho phép và không cho phép động chạm; Vì sao không được động chạm vào những bộ phận không cho phép; Ai và khi nào được phép động chạm vào những bộ phận không cho phép đó.

+) Nhận biết những hành vi không an toàn cho trẻ như: ai đó sờ mó những bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ; cho trẻ xem phim, ảnh, ấn phẩm có nội dung đồ trụy, ép buộc trẻ sờ mó vào cơ thể của họ…

+) Nhận biết cảm giác và cảnh báo của cơ thể khi một tình huống không an toàn xảy ra (tim đập nhanh, run rẩy, sởn da gà, sợ hãi…); Tránh những tình huống không an toàn

+) Biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

+) Biết xử lý tình huống khi có nguy cơ

+) Sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với người khác

4. Hành động ngay lập tức khi nhận được thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại.

5. Bảo đảm sự an toàn về thể chất cho trẻ khi cần thiết.

Bài viết liên quan

Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng chiến lược học tập cùng con
Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt chuột rút
HỘI CHỨNG TIỀN KINH NGUYỆT (PREMENSTRUAL SYNDROME - PMS)
Vòng xoay giới tính
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRỪNG PHẠT VÀ KỶ LUẬT