Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng chiến lược học tập cùng con
11:34 - 12/05/2021
Sự hình thành và phát triển nhân cách cũng như con đường học tập của mỗi người đều bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ chính là những người đóng vai trò quan trong việc định hướng, dẫn dắt và đồng hành trong quá trình trưởng thành của con.
Như đã đề cập ở bài trước, học sinh có chiến lược học tập hiệu quả thì sẽ dễ dàng thành công hơn những đứa trẻ khác. Sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc xây dựng chiến lược học tập cho con có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định không nhỏ phần trăm đạt được thành công của con cái trong tương lai.
- Vai trò của cha mẹ:
- Đồng hành cùng con trong cả quá trình. Ngay từ thời điểm bắt đầu có dự định, cho đến khi thực hiện và hoàn thành được kế hoạch, cha mẹ hãy cố gắng luôn ở bên, giúp đỡ và hỗ trợ con kịp thời trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự có mặt của cha mẹ, dù ở vị trí “đứng từ xa”, không trưc tiếp tham gia vào nhiệm vụ hiện tại của con cũng đủ tạo cho con cảm giác an toàn và yên tâm. Việc chia sẻ với con có thể bao gồm kết nối với giáo viên, bạn bè để nắm được tình hình của con, hỗ trợ nhiệt tình cho con trong việc làm bài tập,…
- Lắng nghe, dân chủ, tôn trọng và chấp nhận con. Sự hỗ trợ của cha mẹ không chỉ đến từ vật chất mà các con học sinh ở mọi lứa tuổi đều rất cần được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Chấp nhận, tôn trọng, thỏa thuận và thống nhất quan điểm với nhau sẽ tốt hơn việc xung đột do cha mẹ áp đặt, bất đồng quan điểm, ép buộc hoặc bỏ mặc.
- Trở thành người bạn của con. Dù cha mẹ bận rộn thế nào cũng cần cố gắng quan tâm và dành thời gian trò chuyện cùng con. Việc thường xuyên trao đổi, tâm sự cùng con sẽ giúp cha mẹ nắm được các vấn đề mà con quan tâm hoặc tìm ra những khó khăn, lo lắng của con về một điều gì đó trong cuộc sống, từ đó có thể hỗ trợ về mặt tinh thần cho con.
- Tạo điều kiện học tập cho con. Điều kiện học tập cha mẹ dành cho con ngoài tiền học, tìm thầy cô giỏi để dạy, cung cấp cho con được ăn mặc đầy đủ, còn nằm ở quỹ thời gian với con. Bên cạnh đó, việc tạo ra một bầu không khí dễ chịu, thoải mái khi con ở nhà cũng cần thiết, tránh khiến con bị phân tán, mất tập trung bởi những cảm xúc tiêu cực của bản thân sau khi đi làm về hoặc những tranh cãi, mâu thuẫn trong gia đình.
- Tạo động lực học tập cho con. Động lực học tập có thể đến từ bên ngoài (ví dụ như phần thưởng, một lợi ích nào đó), tuy nhiên nếu cha mẹ tạo được cho con động lực học tập bên trong ngay từ nhỏ là tốt nhất. Việc thường xuyên khích lệ, động viên con cái là cần thiết, để con cảm thấy việc mình làm được cha mẹ ghi nhận. Cha mẹ cũng có thể trở thành tấm gương (ví dụ như hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày) để truyền cảm hứng học tập cho con cái.
- Vui chơi và thư giãn. Trong chiến lược học tập, không chỉ có mỗi hoạt động học, do đó việc đan xen các hoạt động thể chất, giải trí sẽ tạo sự gần gũi, gắn bó của con với cha mẹ. Để con thấy rằng cha mẹ không chỉ đòi hỏi chúng học tập mà cũng mong muốn các con luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc.
- Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chiến lược học tập:
- Tính chất gia đình. Việc gia đình thuộc kiểu hạt nhân hoặc đa thế hệ, gia đình công chức hoặc lao động tự do đều có những ưu điểm và hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện được chiến lược học tập cho con.
- Phong cách giáo dục của cha mẹ. Trình độ văn hóa, tính cách của cha mẹ, hoàn cảnh sống và cách cha mẹ được giáo dục khi còn nhỏ, nhận thức của cha mẹ ở hiện tại cũng như sự thống nhất hay không đồng nhất trong cách nuôi dạy con sẽ ảnh hướng đến việc cha mẹ xây dựng - thực hiện chiến lược học tập này cùng con.
- Nét nhân cách của con cái. Yếu tố này đóng góp tương đối lớn phần trăm chiến lược học tập thành công. Với những học sinh khác nhau: tính cách hướng nội, hướng ngoại hoặc trung lập, có ý thức tự giác hoặc thiếu năng lực tự chủ,... đều sẽ có tác động đến tiến độ của chiến lược, cần thêm sự gia tăng giám sát của cha mẹ hay không và cách cha mẹ tương tác với chúng như thế nào