8 thói quen xấu của cha mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

08:34 - 29/05/2018

  Rất nhiều bé thích ăn diện, sành điệu. Nhưng theo các chuyên gia, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn ngoại hình và những gì chúng có. Hãy hướng trẻ đến các hoạt động vui chơi lành mạnh như đi bộ hoặc chơi thể thao, dạy trẻ nấu nướng và biết quan tâm đến bản thân và người khác

 

Cha mẹ là hình mẫu

Con trẻ học từ cha mẹ cách cảm nhận về cơ thể, về khả năng, và về mọi thứ từ những gì bạn nói và làm. Vì vậy, cách tốt nhất để dạy trẻ những thói quen lành mạnh không phải là các hình thức khen thưởng hay kỷ luật trẻ mà đó chính là hành vi, thái độ ứng xử tích cực, đúng đắn và lành mạnh. Khi bạn gương mẫu với con cái, bạn giúp trẻ thấy hạnh phúc hơn và có lựa chọn tốt hơn.

Hãy thay đổi bản thân nếu có 8 thói quen xấu dưới đây để nuôi dạy con tốt nhất.

Thói quen xấu thứ nhất: Chỉ trích bản thân

Bạn bi quan về ngoại hình của mình, đó là bạn đã thiếu đi sự tôn trọng bản thân khi đánh giá ngoại hình dựa vào cách ăn mặc hoặc cân nặng. Điều này có thể làm cho trẻ có thói quen đi tìm nhược điểm của chúng qua gương, làm cho trẻ cảm thấy tự ti về cơ thể của mình.

Thay việc này bằng cách nói chuyện về cảm giác khoan khoái khi bạn tập thể dục, thay đổi của cơ thể khi bạn ăn uống đủ chất hoặc ngủ đủ giấc vì đó là những điều bạn muốn trẻ ghi nhớ.

Thói quen xấu thứ hai: Ăn uống dựa trên cảm xúc

Bạn ăn để lấy lại cân bằng cảm xúc khi gặp chuyện buồn hay thất vọng. Việc làm này được coi là bạn đã truyền một thông điệp xấu cho trẻ rằng thức ăn là một thứ có thể xoa dịu cảm xúc của mình.

Thay vì ăn uống để quên đi nỗi buồn chán và thất vọng, bạn hãy nói chuyện với bạn bè hay đi dạo để có tâm trạng tốt hơn.

Thói quen xấu thứ ba: Nhắn tin, gửi thư điện tử hoặc nói chuyện quá nhiều

Sẽ bất công nếu bạn yêu cầu trẻ không nhắn tin, xem điện thoại trong bữa ăn, trong khi bạn được quyền làm việc đó. Việc làm này của bạn sẽ có tác động tiêu cực hơn nhiều so với những gì bạn nói. Bạn nên đề ra một nguyên tắc, áp dụng triệt để đối với mọi thành viên trong gia đình về việc sử dụng điện thoại và bố mẹ phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc này. Hãy dành thời gian trong bữa ăn, hoặc lúc vui cùng gia đình để nói chuyện với trẻ, không nên sử dụng điện thoại hoặc gửi tin nhắn quá nhiều trong khoảng thời gian này.

Thói quen xấu thứ tư: Chú trọng về ngoại hình và vật chất

Rất nhiều bé thích ăn diện, sành điệu. Nhưng theo các chuyên gia, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn ngoại hình và những gì chúng có. Hãy hướng trẻ đến các hoạt động vui chơi lành mạnh như đi bộ hoặc chơi thể thao, dạy trẻ nấu nướng và biết quan tâm đến bản thân và người khác. Trẻ sẽ nhận được nhiều ích lợi từ việc tập thể dục, lối sống tự lập, thông thạo nấu nướng và biết cách chăm sóc cho mình và người khác. Trẻ cũng có ý thức rằng thể dục, thể thao là một cách rất tốt để giải toả căng thẳng, mệt mỏi.

Thói quen xấu thứ 5: Uống rượu, bia để thể hiện hoặc để giải toả căng thẳng

Nếu bạn cho phép mình “uống một chút” sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi bạn sẽ làm cho trẻ nghĩ rằng đồ có cồn như bia, rượu là một đồ uống để thư giãn và làm giảm căng thẳng. Việc dùng quá nhiều cà phê, trà hay soda để giúp bạn tỉnh táo hơn cũng tạo cho trẻ nhận thức tương tự. Hãy xả căng thẳng và giúp bạn tỉnh táo bằng tập thể thao, ngồi thiền, hoặc thư giãn cùng cả gia đình, điều này là một cách tốt để mọi thành viên cùng thư giãn, tỉnh táo và tạo sự gắn kết.

Thói quen xấu thứ 6: Biến mọi thứ thành cuộc thi

Bạn luôn so sánh con mình với những đứa  trẻ khác (con nhà hàng xóm, bạn học, anh chị em). Việc này hiếm khi đem lại kết quả tốt.

Thay vì so sánh, bạn nên động viên trẻ cố gắng hết sức, giúp trẻ tìm thấy niềm vui từ những cố gắng đó hoặc chỉ cho trẻ bạn làm cách nào tốt hơn. Bạn cũng có thể giúp trẻ tìm các hoạt động mà trẻ đam mê và giúp trẻ tập luyện. Bạn hãy kể những việc làm hàng ngày của bạn và cách bạn làm thế nào để cảm thấy tốt hơn.

Thói quen xấu thứ 7: Luôn tranh luận

Nếu hai vợ chồng bạn thường xuyên tranh luận hay cãi nhau thì bọn trẻ cũng sẽ xử sự như vậy. Nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ việc bạn quá căng thẳng.

Các cuộc cãi vã có thể làm bạn thấy đỡ bức xúc hơn ngay lúc đó, nhưng cảm giác sau đó thì thật tồi tệ. Việc bạn thường xuyên căng thẳng, hay xung đột sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Bạn hãy học cách quản lý cảm xúc, các kỹ năng kiểm soát căng thẳng.

Thói quen xấu thứ 8: nói xâú

Trẻ có thể có tính ngồi lê đôi mách nếu bạn luôn bình luận về hình thức của một người nào đó, hoặc lên tiếng chỉ trích hành động tỏ ra thiếu tự trọng, hoặc khoa trương của họ. Hãy luôn tự hỏi lý do để bạn làm việc đó? Và nên loại bỏ thói quen vô bổ này.

Nên hướng dẫn bọn trẻ thư giãn và nạp thêm năng lượng một cách lành mạnh.

Xem lại bản thân

Nếu bạn đã thể hiện những thói xấu trước mặt bọn trẻ, bạn đừng lẩn tránh và mong là chúng sẽ không thấy điều đó. Hãy nhận lỗi của mình và lấy đó là một cách để dạy trẻ. Hãy để trẻ nhận xét và yêu cầu chúng giúp bạn sửa chữa thói xấu đó. Có thể chúng sẽ thấy vui hơn khi chỉ ra cho bạn thói xấu bạn mắc phải nếu nó lặp lại, và dĩ nhiên là bạn sẽ phải ý thức trong việc ngăn chặn việc lặp lại đó. Đó là cách các thành viên trong gia đình giúp nhau tìm ra lối sống đúng đắn cho cả gia đình mình.

 

Nguồn: webmd.com

Dịch và chỉnh sửa: HàTTT-VK

Bài viết liên quan

Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng chiến lược học tập cùng con
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRỪNG PHẠT VÀ KỶ LUẬT
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỦ ĐOẠN XÂM HẠI, NGUY CƠ XÂM HẠI VÀ CÁCH BẢO VỆ TRẺ
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM – NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT!
Nói dối - Tốt hay xấu?