SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRỪNG PHẠT VÀ KỶ LUẬT
09:54 - 22/11/2018
Trừng phạt và Kỷ luật là hai cách thường được sử dụng để điều chỉnh hành vi sai phạm của trẻ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai hình thức này rất lớn.
Trừng phạt và Kỷ luật là hai cách thường được sử dụng để điều chỉnh hành vi sai phạm của trẻ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai hình thức này rất lớn. Trong khi trừng phạt làm cho trẻ phải chịu sự đau khổ khi trẻ mắc lỗi hoặc vi phạm các quy đinh, thì kỷ luật lại hướng tới việc dạy cho trẻ ý thức được những sai phạm của mình và có cách giải quyết phù hợp cho những lần sau.
Trừng phạt là gì?
Trừng phạt là một hình thức can thiệp mạnh cho một hành vi mắc lỗi của một đứa trẻ. Nó thường xuất phát từ cảm giác thất vọng và tuyệt vọng của cha mẹ.
Trừng phạt luôn mang đến cho trẻ một thông điệp rằng “con không ngoan”. Thông thường, cha mẹ sử dụng hình thức trừng phạt cho thấy sự thất vọng trong việc kiểm soát trẻ và cố gắng chứng minh cho trẻ thấy rằng “Dù con có muốn hay không thì bố mẹ vẫn là người có quyền (cứ phạt con)”
Kiểu cha mẹ độc đoán thường thích sử dụng hình thức trừng phạt với trẻ nhất. Trừng phạt đánh đòn làm cho trẻ phải chịu đau đớn và đau khổ. Một ví dụ khác của sự trừng phạt là trẻ vị thành niên bị bắt nằm đất vô thời hạn hoặc đồ chơi của trẻ bị vứt đi vì trẻ không dọn dẹp phòng.
Hậu quả của hình thức trừng phạt
Trừng phạt không dạy trẻ cách cư xử. Đứa trẻ bị ăn đòn vì đánh em sẽ không hiểu làm thế nào để giải quyết xung đột một cách hòa bình. Thay vào đó, trẻ lại cảm thấy lẫn lộn và bất công với suy nghĩ “vì sao bố mẹ đánh mình được mà mình lại không được đánh em?”.
Sử dụng hình thức trừng phạt cũng làm cho trẻ tin rằng cha mẹ phải luôn kiểm soát hành vi của chúng bởi vì chúng không thể tự kiểm soát được bản thân.
Hình phạt nặng có thể khiến trẻ tức giận với người phạt trẻ đau hơn là lý do vì sao chúng phải chịu phạt. Vì vậy, thay vì ngồi và suy nghĩ về cách trẻ có thể tránh được sai phạm lần sau thì trẻ bị phạt ngồi trong góc cả giờ dành thời gian suy nghĩ về cách trả đũa người phạt trẻ.
Kỷ luật là gì?
Kỷ luật là một hình thức rèn cho trẻ các kỹ năng mới, như làm thế nào để kiểm soát các hành vi, kiểm soát cảm xúc tiêu cực và cách giải quyết vấn đề. Kỷ luật làm cho trẻ nhận biết những sai phạm của mình và khám phá cách ứng phó thích hợp với những cảm xúc của trẻ.
Một trong các hình thức kỷ luật là “time-out” hay được gọi là “Góc kỷ luật”, hiểu đơn giản là yêu cầu trẻ ngồi vào góc, đứng tại chỗ hoặc ngồi yên trên ghế khi trẻ có hành động sai. Mục tiêu của hình thức “Góc kỷ luật” (time-out) là dạy cho trẻ làm thế nào để bình tĩnh trở lại khi trẻ buồn bực. Điều này giúp trẻ sẽ nhận ra rằng, chúng có thể tự tìm “Góc kỷ luật”cho riêng mình trước khi chúng ném một món đồ chơi đi.
Kỷ luật sử dụng quyền lực để yêu cầu trẻ có cách ứng xử phù hợp với các hành vi của chúng. Khi trẻ nhận thức được hậu quả của những phản ứng tiêu cực một cách rõ ràng chúng sẽ biết tự kiểm soát hành vi của chúng. Ví dụ như trẻ biết rằng chúng sẽ bị tịch thu các thiết bị điện tử vì không chịu tắt ti vi khi được yêu cầu.
Lợi ích của hình thức kỷ luật
Kỷ luật sẽ giúp trẻ chủ động hơn là đối phó. Nó ngăn chặn các hành vi tiêu cực của trẻ và giúp trẻ sửa lỗi khi mắc lỗi.
Có nhiều hình thức kỷ luật đi theo hướng khích lệ tích cực, như là khen ngợi hoặc khen thưởng khi trẻ tuân thủ các nguyên tắc. Các cách này sẽ khuyến khích các hành vi tích cực của trẻ để trẻ tuân theo quy tắc một cách tự nguyện.
Kỷ luật thúc đẩy các mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái để trẻ không cố gắng làm mọi cách để gây sự chú ý và rèn cho trẻ biết cách hành xử.
Khi trẻ sẽ bị kỷ luật, trẻ nghĩ rằng “mình đã làm điều gì đó sai rồi” hơn là “mình không ngoan”. Khi trẻ có khả năng tách hai khái niệm mình là ai và mình đã làm gì, chúng sẽ có khả năng hành xử tốt hơn trong tương lai.
Nguồn: Amy Morin, LCSW
Dịch và chỉnh sửa: HaTTT
Bài viết liên quan
Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng chiến lược học tập cùng conXÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỦ ĐOẠN XÂM HẠI, NGUY CƠ XÂM HẠI VÀ CÁCH BẢO VỆ TRẺ
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM – NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT!
Nói dối - Tốt hay xấu?
8 thói quen xấu của cha mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ