CON KHÔNG THỂ TẬP TRUNG KHI HỌC VÀ LÀM BÀI TẬP, CÓ PHẢI ĐÓ LÀ LỖi CỦA CON?
08:25 - 07/05/2018
Khi chúng ta phải làm lại một việc mà trước đó ta đã làm sai và bị phạt vì lỗi sai đó, ta rất lo lắng và căng thẳng. Ta hồi hộp chờ đợi nhận xét của cấp trên khi bị kiểm tra. Một cái nhíu mày hay nhăn trán thôi cũng làm ta căng thẳng. Sự lo lắng, buồn chán và thất vọng sẽ tăng lên gấp bội nếu ta nhận đ
Qua nhà cậu em trai chơi, thấy cậu em đang mắng cô cháu gái hiện học lớp 5: "Con chỉ được có 6 điểm thi môn Lịch sử. Hôm trước hai bố con đã ôn đi ôn lại rồi, nhưng con không tập trung nên đi thi quên hết....". Thấy bác đến, cậu em trai quay sang phàn nàn: "Bác có biết không, cháu gái bác lười lắm, học chẳng tập trung gì. Môn tiếng Việt và Toán cũng vậy, cứ học trước rồi lại quên sau. Ngày hôm nay vừa làm các dạng bài đấy xong, ngày mai hỏi lại đã quên hết", sau đó lại quay sang đứa cháu gái: "Con đúng là đã dốt lại còn lười...!!!!." Đứa cháu gái ngước cặp mắt buồn và lo lắng, lí nhí chào bác rồi đi vào nhà trong.
Không hiếm gặp các ông bố, bà mẹ trách mắng con theo kiểu như vậy trong xã hội chúng ta, và rất nhiều trong số đấy bố mẹ đều là những người có bằng cấp và địa vị trong xã hội. Vậy CON LƯỜI HỌC, HỌC KHÔNG TẬP TRUNG CÓ PHẢI LỖI DO CON?
BÀI HỌC THỰC TẾ: khi chúng ta phải làm lại một việc mà trước đó ta đã làm sai và bị phạt vì lỗi sai đó, ta rất lo lắng và căng thẳng. Ta hồi hộp chờ đợi nhận xét của cấp trên khi bị kiểm tra. Một cái nhíu mày hay nhăn trán thôi cũng làm ta căng thẳng. Sự lo lắng, buồn chán và thất vọng sẽ tăng lên gấp bội nếu ta nhận được lời chê trách, thậm chí là mạt sát, quát mắng. Nhưng một lời động viên, ghi nhận sự cố gắng sẽ giúp ta lấy lại tinh thần và giúp ta tự tin rằng mình có thể làm được việc đó tốt hơn trong những lần sau.
TÂM LÝ CON TRẺ: Con trẻ chưa có khả năng phản vệ và đang trong quá trình phát triển bị động đối với mọi loại hình giáo dục bao gồm kiến thức và hành vị. Gọi là phát triển bị động vì con trẻ là đối tượng học. Bố mẹ, thầy cô giáo và những người tiếp xúc với trẻ hàng ngày là chủ thể chuyển tải mọi thông tin. Nếu trẻ luôn được tiếp xúc với những thông tin giúp trẻ phấn chấn, tự tin thì trẻ sẽ biết cách giải quyết công việc được giao tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ luôn đón nhận sự la mắng, trách phạt thì trẻ sẽ trở nên sợ sệt, không tự tin và nói dối. Mức độ nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào tính cách của trẻ. Nếu trẻ có tính cách nhút nhát, rụt rè và ít nói, mức độ ảnh hưởng sẽ nhiều hơn.
CON KHÔNG CÓ LỖI?
"Con ước một lần thôi mẹ nói với con rằng CON MẸ THẬT GIỎI, CON MẸ THẬT CỐ GẮNG!!!..." đó là mong ước của một học sinh lớp 4 viết theo chủ đề "Em hãy viết một điều ước mà em mong muốn trở thành hiện thực." Khi cô giáo chủ nhiệm đọc điều ước của con trong buổi họp phụ huynh cuối năm, có rất nhiều giọt nước mắt lăn dài.
CON CỦA CHÚNG TA KHÔNG CÓ LỖI. Con cũng mong muốn được khen, muốn học thật giỏi, muốn trở thành người con ngoan. Nhưng, khả năng tiếp nhận những điều mới lạ đối với từng con là rất khác nhau; khả năng phân tích những thông tin đã được tiếp nhận lại càng khác nhau. Có những điều người lớn chúng ta nghĩ là đơn giản, nhưng với CON là khó. Vì vậy, thay vì la mắng con, trách phạt con vì những việc con chưa làm được, không thể hoàn thành được, chúng ta, những bậc cha mẹ hãy ở bên cạnh động viên, phân tích và giúp con vượt qua chướng ngại vật thành công.
Ha-VTT