SỨC KHỎE TÂM THẦN - NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO Ở TRẺ EM

13:57 - 15/10/2021

“Sức khỏe tâm thần là một trạng thái khỏe mạnh mà trong đó mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với những căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng.” (WHO)

Hiểu đúng về sức khỏe tâm thần

Trong định nghĩa về sức khoẻ của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO- World Health Organization), sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời của một cơ thể khỏe mạnh: "Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế".

Sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng ứng phó hiệu quả trước những biến động bất ngờ cuộc sống. Trạng thái tinh thần khỏe mạnh này được thể hiện qua khả năng đáp ứng với mọi trải nghiệm trong cuộc sống có chủ đích và linh hoạt cũng như trạng thái cân bằng giữa cá thể và thế giới xung quanh, hài hòa giữa bản thân và người khác. Về mặt tâm lý, một người mạnh khỏe tâm thần có khả năng:

  • Hiểu được những xung đột nội tâm, vượt qua những cảm xúc tiêu cực/ bi quan để duy trì lối sống tích cực, lạc quan;
  • Tự điều chỉnh tốt, có khả năng sống hòa hợp với người khác;
  • Tự kiểm soát tốt, giữ cân bằng về lý trí và cảm xúc;
  • Đối diện với các vấn đề và cố gắng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả;
  • Có sự tự trọng cao.

 

Nhận Biết Các Dấu Hiệu Cảnh Báo 

Bên cạnh yếu tố di truyền, chấn thương tâm lý là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng tới trạng thái sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Sang chấn tâm lý và cảm xúc là kết quả của những sự kiện gây căng thẳng quá mức làm cá nhân mất đi cảm giác an toàn, khiến chúng cảm thấy bất lực trong thế giới chứa đầy hiểm họa. Những sự kiện gây sang chấn thường gắn với các mối đe dọa đến tính mạng hoặc sự an toàn, hay bất kỳ tình huống nào làm trẻ cảm thấy vượt quá sự chịu đựng hoặc bị cô lập ngay cả trong trường hợp không có tổn thương về thể chất. 
 
Nhiều yếu tổ thường bị bỏ qua bao gồm mất đi người thân, vừa trải qua phẫu thuật, chuyển trường, bố mẹ ly hôn, trải qua một biến cố lớn hoặc thất vọng sâu sắc. Những vấn đề sức khỏe này nếu không được tháo gỡ hoặc điều trị có thể gây ra các rối loạn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ ở hiện tại và cuộc sống sau này. Nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp giúp trẻ cũng như cha mẹ có những chiến lược tìm kiếm hoặc hỗ trợ kịp thời để cải thiện tình trạng sức khỏe hiện tại, tránh những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:

  • Cảm giác đau buồn từ hai tuần trở lên
  • Cô lập xã hội hoặc rút lui 
  • Tự làm hại bản thân hoặc nói về việc làm tổn thương bản thân
  • Tăng nhịp tim, đau đầu hoặc đau bụng
  • Đánh nhau hoặc muốn làm hại người khác 
  • Hành vi mất kiểm soát nghiêm trọng có thể gây thương tích cho bản thân hoặc người khác
  • Lo lắng hoặc sợ hãi quá mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
  • Rất khó tập trung 
  • Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng 
  • Thay đổi rõ rệt trong hành vi hoặc tính cách
  • Tìm mọi lý do để nghỉ học
  • Dễ bị kích thích quá mức trong thời gian dài
  • Liên tục có các hành vi chống đối

 

Một điều cần nhấn mạnh rằng, hơn một nửa số ca được chẩn đoán bị rối lọa tâm thần ở độ tuổi dưới 14. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu trên, cha mẹ hoặc bản thân trẻ cần phải tập trung tìm hiểu, rà soát những gì đã xảy ra trong quá khứ, đừng cho rằng đó chỉ là một giai đoạn hoặc một phần của quá trình phát triển. Hãy liên lạc với VIETKING để được tư vấn và hỗ trợ theo số điện thoại/zalo: 0904037678/ 0963002968, email: phongtamlyvietking@gmail.com hoặc đăng ký trực tiếp theo đường link: https://forms.gle/ptyx5PVdMbkLUMy19.

 

Biên soạn: Vũ Hà

Nguồn tham khảo:

  1. Tổ chức y tế thế giới (WHO- World Health Organization),
  2. Kristen Fuller, MD - Mental health conditions seen in childhood

Bài viết liên quan

THANH THIẾU NIÊN VÀ HÀNH VI TỰ HẠI
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE TÂM THẦN
Rối loạn hành vi ở trẻ nhỏ và những điều cần biết
NÊN thống nhất cách dạy trẻ trong GIA ĐÌNH
CON KHÔNG THỂ TẬP TRUNG KHI HỌC VÀ LÀM BÀI TẬP, CÓ PHẢI ĐÓ LÀ LỖi CỦA CON?