COVID-19: GIÚP ĐỠ TRẺ EM VÀ THANH THIẾU THIÊN ỨNG PHÓ VỚI CĂNG THẲNG TRONG MÙA DỊCH

14:53 - 10/05/2021

Trẻ em và thanh thiếu niên có thể phản ứng với căng thẳng theo nhiều cách khác nhau. Các biểu hiện  phổ biến bao gồm lo lắng, khó ngủ, đau đầu, cáu giận, đau bụng, thu mình, đái dầm, đeo bám hoặc sợ bị bỏ mặc.

Khi cha mẹ thấy con có những dấu hiệu căng thẳng, hãy hiểu và giải thích cho con bạn rằng đó là phản ứng sinh học bình thường của cơ thể trước một tình huống bất thường và ngay cả người lớn cũng trải qua những dấu hiệu tương tự. Cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dưới đây là một số gợi ý dành cho cha mẹ:

  1. Tình yêu thương là liều thuốc chữa lành mọi vết thương: Cha mẹ nên dành nhiều hơn thời gian để lắng nghe, tìm hiểu mối bận tâm của con, trò chuyện cởi mở và chân thành với con. Hãy nói cho con bạn biết, cha mẹ luôn yêu thương và ở bên vào bất kỳ khi nào con cần.
  2. Bầu không khí vui vẻ làm giảm sự lo âu: Do dịch bệnh nên không gian giao tiếp của con bị thu hẹp, cha mẹ tạo cơ hội cho con được chơi đùa và thư giãn cùng với các thành viên trong gia đình thông qua các trò chơi nhóm như ô ăn quan, cá ngựa, hay kể những câu chuyện cười, xem cùng một chương trình truyền hình mà con bạn thích....
  3. Cảm giác an toàn củng cố niềm tin: Lo sợ bị bỏ rơi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên sự căng thẳng. Trong trường hợp con phải nghỉ học không đến trường do dịch bệnh, hãy cố gắng cho con bạn được ở cùng với bạn và các thành viên gia đình, tránh việc thay đổi môi trường sống hoặc người chăm sóc trong chừng mực nhất có thể. Nếu sự chia tách xảy ra, ví dụ như việc phải đưa con về quê sống cùng ông bà để bố mẹ có thể đi làm, thì hãy đảm bảo liên lạc thường xuyên (ví dụ: gọi điện video qua điện thoại) và luôn tái khẳng định việc chia cắt chỉ là tạm thời.
  4. Đảm bảo thời gian biểu không bị xáo trộn để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh: Giữ thói quen và lịch sinh hoạt bình thường càng nhiều càng tốt, hoặc cùng con trao đổi để xây dựng lịch sinh hoạt mới, phù hợp với môi trường và hoàn cảnh sống tại thời điểm hiện tại bao gồm thời gian học tập online và offline, thời gian vui chơi và thư giãn, thời gian hoạt động thể chất và sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
  5. Thông tin đầy đủ và chính xác giúp con bạn yên tâm và chuẩn bị tâm thế ứng phó: Cũng cấp cho con bạn đầy đủ thông tin thực tế về những gì đang diễn ra. Tùy từng độ tuổi để có những giải thích và lý giải phù hợp về nguy cơ và cách thức lây nhiễm Covid 19, đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về những gì con bạn có thể làm để giúp bảo vệ bản thân và những người khác khỏi bị lây nhiễm.

Hà Vũ - Tham khảo từ nguồn WHO

Bài viết liên quan

COVID-19: 5 LỜI KHUYÊN GIÚP HỌC SINH SÀNG CHO CÁC KỲ THI
COVID-19: BÍ KÍP HỌC TẬP HIỆU QUẢ KHI Ở NHÀ DO GIÃN CÁCH
COVID-19: CÁCH THANH THIẾU NIÊN BẢO VỆ SỨC KHỎE TINH THẦN TRƯỚC ĐẠI DỊCH
COVID-19: KHÓ KHĂN HỌC SINH SẼ PHẢI ĐỐI MẶT KHI KHÔNG THỂ ĐẾN TRƯỜNG DO DỊCH BỆNH