COVID-19: KHÓ KHĂN HỌC SINH SẼ PHẢI ĐỐI MẶT KHI KHÔNG THỂ ĐẾN TRƯỜNG DO DỊCH BỆNH
14:52 - 10/05/2021
Kể từ khi chính thức biết đến sự tồn tại nguy hiểm của virus Corona vào cuối năm 2019, thế giới đã và đang tiến hành các phương án chống dịch hết sức khẩn trương.
Trước diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Việt Nam tiếp tục quyết liệt duy trì hiệu quả việc khoanh vùng, dập dịch, truy vết và chữa trị cho những bệnh nhân dương tính với Covid 19. Nhiều địa phương trên cả nước đã quyết định cho học sinh tạm nghỉ học trên trường và chuyển sang học trực tuyến để thực hiện quyết định cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy việc học online giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong tình hình dịch bệnh căng thẳng ở một số tỉnh thành của Việt Nam, nhưng hình thức học này lại tiềm ẩn nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần theo 4 nhóm Học tập, Sức khỏe, Hành vi và Mối quan hệ mà học sinh sẽ phải đối mặt khi nghỉ ở nhà dài ngày.
Chất lượng học tập giảm sút
Hiệu quả của việc học online chỉ thực sự nhìn thấy ở những học sinh chăm chỉ, chủ động, có ý thức và nghiêm túc mong muốn nâng cao kết quả học tập. Đối với số học sinh còn lại, học trực tuyến có nhiều bất lợi và thách thức: chất lượng của buổi học, khả năng tiếp thu sẽ giảm so với tương tác thực tế. Nhiều học sinh có thể bị kém tập trung, làm việc riêng, dễ bị phân tán bởi các yếu tố khác, nếu không có người giám sát hoặc không đủ tự giác. Trong giờ học, học sinh bị hạn chế, bất tiện khi giao tiếp với giáo viên. Việc học sinh hoàn thành bài tập, nộp bài hoặc kiểm tra có thể chưa đủ nghiêm túc, trung thực và đúng với lực học. Chưa kể với nhóm học sinh cấp 1, các em có thể gặp khó khăn khi thao tác, sử dụng thiết bị và các ứng dụng công nghệ mới.
Sức khỏe tâm thần suy yếu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Học tại nhà lâu ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về thể chất lẫn tinh thần đối với học sinh các cấp. Phải ở lâu trong không gian nhỏ và riêng tư, học sinh sẽ cảm thấy buồn chán, bức bối, dễ nảy sinh nhiều cảm xúc - ý nghĩ tiêu cực, không phù hợp, đặc biệt đối với học sinh đã có sẵn các vấn đề về tâm lý. Điều đó khiến các rối nhiễu tâm lý, mức độ tăng nặng bệnh lý về tâm thần của học sinh có khuynh hướng gia tăng. Tinh thần không vững vàng, ổn định thì sẽ kéo theo các bệnh về thể chất, ngay cả với những học sinh vốn có được sự cân bằng về tâm lý thì nghỉ dịch lâu cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự điều tiết của mắt do sử dụng thiết bị công nghệ thời gian dài; đau mỏi cơ xương do ngồi, nằm lâu, thiếu vận động; chế độ ăn uống không điều độ, lành mạnh; giờ giấc sinh hoạt đảo lộn;… Việc phải tạm nghỉ để học ở nhà đã hạn chế nhiều không gian và cơ hội để các học sinh ra ngoài hoạt động thể chất, giải phóng năng lượng, nâng cao sức khỏe và tương tác với mọi người.
Gia tăng hành vi không phù hợp do thiếu sự quản lý
Chắc chắn đây là biểu hiện cụ thể và dễ quan sát nhất trong thời gian ngắn. Học sinh học online sẽ cần sử dụng mạng nhiều thời gian hơn, do đó gia đình càng khó quản lý, kiểm soát những nội dung, thông tin mà các em tiếp nhận. Học sinh dễ sa đà vào chơi game, xem các trang web không phù hợp với lứa tuổi, giao lưu với người lạ trên mạng xã hội, bạo lực trên mạng,… Không phải gia đình nào cũng có điều kiện trông nom, bố mẹ phải chia nhau nghỉ ở nhà hoặc gửi con sang nhà họ hàng, người quen, thậm chí nhiều nhà chỉ có thể để con em mình tự ở nhà với nhau. Nhiều trường hợp phụ huynh thiếu sự để ý, giám sát, một số học sinh vẫn tụ tập đi chơi bên ngoài, tồn tại nguy cơ dẫn đến hành vi không phù hợp (ví dụ như dùng chất kích thích, tương tác thân mật với bạn khác giới,…)
Giảm chất lượng các mối quan hệ
Việc học sinh nghỉ ở nhà làm giảm cơ hội tiếp xúc xã hội nhưng tăng thời gian với các thành viên trong gia đình. Do đó học sinh sẽ thiếu đi các hoạt động, tương tác thực tế với bạn bè; lâu ngày một số bạn sẽ lười giao tiếp hơn, trở nên thu mình, gặp khó khăn khi kết bạn mới và duy trì các mối quan hệ xã hội. Với nhiều trường hợp, học sinh lại dễ xuất hiện những mâu thuẫn, bất hòa với gia đình, ví dụ như: liên tục bị bố mẹ nhắc nhở, chịu áp lực học tập, không được lắng nghe, bị kiểm soát quá chặt, bất đồng quan điểm với anh/ chị/ em,…
Có rất nghi ngại và biến số trong các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà học sinh có thể đã, đang và có nguy cơ gặp phải trong giai đoạn tạm nghỉ học ở trường để phòng tránh dịch bệnh Covid 19. Cha mẹ và thầy cô giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì được trạng thái cân bằng và ổn định về sức khỏe tâm thần không chỉ thời kỳ nghỉ dịch mà còn trong suốt quá trình học tập - phát triển của học sinh.
Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe tâm thần mà học sinh lo lắng hoặc đang phải đối mặt, hãy liên lạc với chúng tôi để được giúp đỡ : « Phòng tâm lý học đường VIETKING – Email : tamlyhocduong@vietking.vn – Sđt : 0963002968 »
Người viết : Thủy Tiên